Các app tính calo ngày càng phổ biến và được coi là công cụ không thể thiếu đối với những người muốn theo dõi việc tập thể dục và ăn uống hằng ngày. Nhưng các ứng dụng này có thực sự giúp ích trong việc chăm sóc sức khỏe hay chỉ làm cho mọi thứ trở nên phức tạp không cần thiết? Hãy cùng xem những ưu và nhược điểm của app tính calo nhé!
Dù bạn muốn lên kế hoạch tập thể dục, ghi chép các loại thực phẩm để giảm cân hay tăng cơ thì luôn có các ứng dụng hỗ trợ. Nguyên tắc chung là nếu muốn giảm mỡ phải giảm lượng calo nạp vào cơ thể, nếu muốn tăng cơ phải kết hợp tập luyện và tăng lượng calo nạp vào. Nhưng làm thế nào các app có thể tính toán lượng calo một cách tự động?
Cách tính lượng calo nạp vào từ thức ăn
Đối với thực phẩm đóng gói sẽ luôn có thông tin dinh dưỡng do nhà sản xuất cho biết như tổng lượng calo, lượng chất béo, protein và carbohydrate, hàm lượng chất xơ, v.v. Các thông tin này thường được lưu trên mạng nên các app có thể tìm kiếm hoặc quét mã vạch để tìm ra thông tin, sau đó đưa ra kế hoạch ăn uống cho người dùng.
Đối với thực phẩm tươi sống hầu hết đều không có nhãn nhưng vẫn có thông tin về hàm lượng calo và chất dinh dưỡng đã được đo sẵn và lưu trên mạng, do đó ứng dụng cũng có thể tìm kiếm để tính toán.
Cách tính lượng calo tiêu thụ
Hầu hết các ứng dụng đều có chức năng tính lượng calo đốt cháy khi tập thể dục nhưng không chính xác tuyệt đối. Cách tính của app dựa vào chỉ số tương đương chuyển hóa, viết tắt là MET, là tỷ lệ giữa lượng calo bị đốt cháy khi vận động so với mức độ trao đổi chất của cơ thể khi nghỉ ngơi (RMR).
Ví dụ nếu một hoạt động nào đó có MET = 3 tức là cơ thể sẽ đốt cháy lượng calo gấp 3 lần so với khi hoàn toàn nghỉ ngơi không vận động trong cùng khoảng thời gian. Có nhiều bảng thống kê tính sẵn chỉ số MET cho các hoạt động khác nhau như: đi bộ với tốc độ khoảng 4km/h có MET = 2,9, đạp xe với tốc độ gần 16km/h có MET = 4. Có thể tìm thông tin này trên mạng rất dễ dàng.
Như vậy để tính lượng calo đốt cháy khi vận động, chúng ta chỉ cần cho app biết hoạt động đó là gì để app nhân RMR với giá trị MET tương ứng. Nhưng làm sao app biết được RMR của người dùng? Có sẵn công thức để tính chỉ số này dựa theo chiều cao, cân nặng và tuổi của mỗi người, chúng ta phải nhập những thông tin đó vào app khi bắt đầu sử dụng.
Tất cả những phép tính này đều ít nhiều có sai số, nhưng nếu tính nhiều lần qua thời gian dài thì có thể coi kết quả trung bình là chấp nhận được.
Cách tính lượng calo cần nạp mỗi ngày
Các app có thể cho biết số calo bạn cần ăn mỗi ngày để đạt được mục tiêu của mình như giữ cân, giảm cân hay tăng cân. Phép tính này dựa trên số calo cơ thể đốt cháy mỗi ngày và cũng bắt nguồn từ RMR như trên. Có nhiều công thức khác nhau để tính tùy theo mỗi app.
Lượng calo cần nạp cũng phụ thuộc vào mức độ vận động trung bình trong ngày, thường được chia ra các mức như “ít hoạt động”, “hoạt động nhẹ”, “hoạt động vừa phải” và “hoạt động nhiều”. Bạn cần hiểu rõ các khái niệm này để chọn đúng, ví dụ như nếu làm công việc văn phòng, ngồi yên cả ngày và chỉ đến phòng tập 1-2 lần một tuần thì chỉ được coi là hoạt động nhẹ.
Nếu bạn tập thể dục 3-4 lần một tuần thì có thể tính là hoạt động vừa phải. Còn hoạt động nhiều là những người làm công việc đòi hỏi thể lực thường xuyên – ví dụ như xây dựng – và kết hợp với tập thể dục.
Ưu điểm của app tính calo
Như vậy chúng ta đã biết cách tính calo của các ứng dụng, vậy lợi ích khi dùng các app này là gì?
1. Ăn uống lành mạnh hơn
Sử dụng app tính calo để lên kế hoạch ăn uống trong ngày sẽ giúp bạn hình thành thói quen lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe, ví dụ như chọn gạo lứt thay cho gạo trắng để tăng chất dinh dưỡng, hay giảm bớt các loại nước ngọt chứa nhiều calo.
2. Tránh ăn quá nhiều và nạp calo quá mức
Bạn có tự kiểm soát được lượng thức ăn của mình trong mỗi bữa không? Các app tính calo có thể giúp bạn theo dõi vấn đề đó, tránh những món chứa quá nhiều calo mà có thể bạn không biết như dầu ăn trộn salad, nước ép trái cây mà bạn nghĩ là tốt cho sức khỏe nhưng lại chứa rất nhiều đường, hay vài miếng bánh quy bơ chứa nhiều calo bằng cả bữa trưa.
3. Tập thể dục thường xuyên hơn
Các ứng dụng tính calo thường kết hợp chức năng tập thể dục với theo dõi dinh dưỡng để lập kế hoạch chăm sóc sức khỏe tối ưu. Khi bạn chọn một bài tập nào đó, app sẽ tính lượng calo đốt cháy của bài đó vào tổng calo tiêu thụ trong ngày, như vậy bạn sẽ biết chính xác việc tập luyện ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu tăng giảm cân của mình.
Nhờ app theo dõi và thông báo sự tiến bộ qua thời gian, bạn sẽ có thêm động lực để tập luyện chăm chỉ vì biết rằng bài tập mà mình đang thực hiện thực sự giúp đốt cháy calo hiệu quả.
4. Bám sát mục tiêu đã đặt ra
Các app tính calo giúp bạn nhìn thấy mục tiêu mình cần đạt được và theo dõi quá trình thực hiện để đạt được mục tiêu đó. Bằng cách đặt mục tiêu cụ thể và biết rõ mình đang đứng ở đâu so với mục tiêu đó, bạn sẽ có thêm quyết tâm để tiếp tục cố gắng.
Các app tính calo giúp bạn biết được những thực phẩm nên ăn, những chất dinh dưỡng cần bổ sung thêm, các bài tập cần thực hiện và nhìn lại tiến bộ đã đạt được, qua đó truyền cảm hứng để bạn tiếp tục duy trì lối sống lành mạnh và lựa chọn thực phẩm đúng đắn hơn.
Nhược điểm của app tính calo
1. Tốn thời gian
Nếu bạn thường xuyên bận rộn và phải ăn vội vàng trong lúc đi học đi làm hoặc ăn ngoài quán nấu sẵn thì việc tính calo sẽ cực kỳ bất tiện và tốn thời gian. Việc mở app liên tục để ghi lại thực phẩm trong mỗi bữa ăn sẽ gây cảm giác phiền toái, dần dần sẽ khiến bạn không còn hứng thú để duy trì nữa.
Giải pháp cho vấn đề này là dùng các app đơn giản như Food Diary & Weight Tracker, trong đó chỉ cần đánh giá bữa ăn là lành mạnh hay không lành mạnh, giúp bạn có ý thức về chuyện ăn uống của mình mà không cần liệt kê chi tiết các chất dinh dưỡng. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi vì phải ghi lại từng món ăn hằng ngày vào app thì hãy thử ứng dụng này.
Tải Food Diary & Weight Tracker cho iOS tại đây
2. Số liệu không chính xác
Thông tin dinh dưỡng ghi trên bao bì thực phẩm không phải lúc nào cũng chính xác 100% và thành phần dinh dưỡng của thực phẩm cũng phụ thuộc vào nguồn gốc, nơi sản xuất, cách chế biến, v.v. Các app tính calo hầu như không tính tới những yếu tố đó và có thể tính sai do lấy số liệu chung chung, cuối cùng ảnh hưởng tới kế hoạch ăn uống của bạn.
Ngoài ra các app cũng không thể cung cấp thông tin về những món ăn hay thực phẩm ít phổ biến, những thức ăn có thể rất quen thuộc ở nơi bạn sống nhưng chưa được nghiên cứu về thành phần dinh dưỡng.
3. Quá phụ thuộc vào app
Tính toán lượng calo chỉ là bước đầu tiên, điều quan trọng nhất để đạt được mục tiêu là phải thực hiện thay đổi trong đời thật phù hợp với điều kiện của bản thân. Các app chỉ là trợ lý đồng hành cùng bạn trong quá trình giảm cân chứ không phải là yếu tố đảm bảo thành công. Nếu lúc nào cũng phải làm theo hướng dẫn của app một cách cứng nhắc thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ chán nản và bỏ cuộc mà thôi.
Tổng kết
Nếu bạn muốn thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh hơn thì dinh dưỡng là một phần quan trọng không thể bỏ qua. Dù bạn có đang sử dụng app tính calo hay không, hãy luôn nhớ nguyên tắc chung là sắp xếp cân bằng các bữa ăn, chọn thực phẩm lành mạnh và tích cực vận động thể chất mỗi ngày. Những điều đó quan trọng hơn nhiều so với phụ thuộc vào ứng dụng một cách máy móc.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan:
- 20 thói quen tưởng là giảm cân nhưng có thể phản tác dụng
- 7 tác dụng không ngờ của nhịn ăn ngắt quãng – Vừa giảm cân lại càng khỏe mạnh
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!